Chiến lược và Chương trình Giáo dục thuộc Bộ GD&ĐT cho biết, đến năm 2020, nước ta sẽ cần ít nhất là 25.000 lao động chuyên sâu trong lĩnh vực Công nghệ sinh học. Tuy nhiên những sinh viên ra trường đều thường đặt ra câu hỏi rằng: Việc làm ngành công nghệ sinh học có khó tìm kiếm không? Trong bài viết dưới đây chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ nhất về vấn đề trên.
Nội dung chính
Ngành Công nghệ sinh học là gì?
Ths. Phạm Văn Lộc, Phó Trưởng khoa Công nghệ sinh học, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM cho biết: “Ngành Công nghệ sinh học là ngành nghiên cứu và vận dụng sinh vật sống kết hợp với qui trình và thiết bị kĩ thuật để tạo ra sản phẩm và sản xuất ở qui mô công nghiệp với các sản phẩm sinh học phục vụ cho lợi ích của con người, đồng thời phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường.
Ngành này được ứng dụng trong đời sống như: Sản xuất thuốc, thức ăn; điều chế và sản xuất hóa chất công nghiệp; phát triển giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ di truyền, xét nghiệm trong y khoa; xử lí môi trường…
Sinh viên ngành Công nghệ sinh học sẽ học những gì?
Sinh viên theo học ngành này được trang bị đầy đủ kiến thức thuộc khối cơ sở ngành như: Hóa hữu cơ, hóa phân tích, vi sinh vật học, sinh lí thực vật, hóa học môi trường, kĩ thuật di truyền, kĩ thuật sinh hóa, kĩ thuật quá trình thiết bị…
Đối với khối chuyên ngành sẽ được học về: Công nghệ enzyme, công nghệ lên men, công nghệ thực vật, kiểm nghiệm các sản phẩm sinh học, ứng dụng sinh học phân tử trong chẩn đoán, kĩ thuật trồng nấm…
Ngoài kiến thức chuyên ngành, sinh viên còn được trang bị những kĩ năng như:
Kĩ năng chuyên môn: Sử dụng thành thạo các trang thiết bị thông dụng trong phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học; có khả năng bố trí và thực hiện thí nghiệm, phân tích và giải thích kết quả thí nghiệm; thiết kế một sản phẩm, hệ thống trong lĩnh vực đáp ứng các nhu cầu mong muốn; trình độ tiếng Anh bậc 3/6; đạt chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản.
Kĩ năng mềm như được trang bị miễn phí 4/10 kĩ năng như đạt mục tiêu và lập kế hoạch, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tìm việc và chinh phục nhà tuyển dụng, kĩ năng giải quyết vấn đề, ra quyết định…
Đối với chương trình đào tạo tại ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM, thầy Phạm Văn Lộc cho biết, sinh viên sẽ được chú trọng học thực hành khoảng 60% khối lượng tín chỉ.
Nhu cầu nguồn nhân lực của ngành công nghệ sinh học
Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội là hàng loạt các vấn đề nhức nhối có liên quan đến nông nghiệp, công nghiệp, thực phẩm, môi trường…. Những vấn đề này đều đang được xã hội vô cùng quan tâm, đặt ra yêu cầu về việc thành lập thêm các trung tâm nghiên cứu để giải quyết vấn đề, đồng thời khai thác thêm các tiềm năng khác từ ngành công nghệ sinh học.
Đây là lý do để giải thích cho câu hỏi vì sao nhu cầu lao động ngành này luôn có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Bởi lẽ, từ việc phân tích mẫu vật, nhân giống cây trồng, làm sạch nguồn nhiên liệu tự nhiên đến vận hành, bảo trì máy móc, hay những quy trình chế biến và bảo quản cũng đều cần đội ngũ nhân lực am hiểu tường tận về ngành và có kiến thức chuyên môn.
Ngành học Công nghệ sinh học có dễ xin việc?
Với nội dung học như trên, sinh viên theo học ngành Công nghệ sinh học sẽ làm việc tại các tổ chức, cơ quan có liên quan đến sinh học và công nghệ sinh học của các Bộ, ngành hoặc các địa phương.
Thực hiện các công việc nghiên cứu và phát triển; phụ trách kĩ thuật; quản lí chất lượng, kiểm nghiệm, giám sát; quản lí sản xuất tại các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực sinh học, nông, lâm, thủy sản, y – dược, chế biến thực phẩm, môi trường.
Quản lí, điều hành trang trại, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghệ sinh học, tư vấn, tiếp thị tại các đơn vị thương mại, dịch vụ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, y – dược.
Đối với những sinh viên có đam mê nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn về ngành học có thể học tiếp lên trình độ sau đại học tại các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước.
Để tạo điều kiện hỗ trợ sinh viên học tập và làm việc, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM tổ chức thường xuyên các buổi giao lưu, chương trình ngày hội việc làm cho sinh viên với sự tham gia của các doanh nghiệp, xây dựng trang cổng thông tin việc làm cho sinh viên để hỗ trợ.
Với chương trình học tập kết hợp giữa lí thuyết và thực hành, phối hợp định hướng công việc cho sinh viên từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Phó Trưởng khoa Ths. Phạm Văn Lộc thông tin về tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm năm 2018 tại trường ĐH Công nghệ thực phẩm trên 86%.
Mong rằng với lượng thông tin mà chúng tôi chia sẻ. Bạn sẽ hiểu thêm về việc làm ngành công nghệ sinh học và có định hướng rõ ràng cho bản thân về chuyên ngành này.