Nông nghiệp được biết đến là ngành có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế ở nước ta. Ngành nông nghiệp có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh – quốc phòng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Và đáng chú ý một trong những ngành chúng ta không thể không nói đến của nông nghiệp đó chính là ngành trồng trọt. Trồng trọt trong những năm qua luôn mang đến những đóng góp to lớn trong sự phát triển của nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại, chất lượng nguồn nhân lực ngành trồng trọt nói riêng và những ngành khác trong nông nghiệp nói chung, được xem là rào cản và thách thức nhất cho phát triển nông nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trên thế giới. Hiểu được điều đó, những năm vừa qua, Việt Nam chúng ta luôn cố gắng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Bởi đây vừa là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của ngành, vừa là xu hướng tất yếu và mang lại giá trị lâu dài cho các trường, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nông nghiệp.
Theo thống kê của Bộ NN & PTNT, đến nay trên cả nước có khoảng 50 cơ sở đào tạo đại học có đào tạo các chuyên ngành về nông nghiệp, lâm nghiêp, thuỷ sản và thuỷ lợi. Bộ NN & PTNT có 4 cơ sở đào tạo đại học và 28 trường cao đẳng. Bạn đang muốn lựa chọn một trường trong những trường này để học ngành trồng trọt tại Việt Nam? Bạn có biết có Top 5 trường đào tạo ngành trồng trọt tốt nhất hiện nay không? Vậy bạn không nên bỏ qua bài viết này của chúng tôi, hi vọng với những gì được chia sẻ trong bài, sẽ giúp bạn có thể lựa chọn được ngôi trường tốt nhất cho mình.
Học viện Nông Nghiệp Việt Nam
Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiền thân là Trường Đại học Nông Lâm được thành lập ngày 12/10/1956 theo Nghị định số 53/NĐ-NL của Bộ Nông Lâm, là 1 trong 3 trường đại học đầu tiên của nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” được thành lập sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc. Trải qua chặng đường dài xây dựng và phát triển, Học viện luôn là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, một trung tâm nghiên cứu tiên tiến về khoa học và công nghệ, kinh tế và chính sách nông nghiệp, nông thôn của cả nước.
Những năm gần đây, Học viện đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý và quản trị theo mô hình của các trường đại học tiên tiến trên thế giới. Về đào tạo, Học viện dựa trên tinh thần tự học, thực nghiệp, lấy người học làm trung tâm; thực hiện sống động nguyên lý của quá trình đào tạo “học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội”. Học viện đã mở ra nhiều chương trình đào tạo liên kết trình độ đại học và sau đại học với các trường đại học, viên nghiên cứu danh tiếng của Hoa Kỳ, Hà Lan, Bỉ, Czech; đồng thời chủ động đẩy mạnh phát triển mô hình đào tạo theo hai hướng: mô hình định hướng nghề nghiệp và mô hình định hướng nghiên cứu.
Năm 2023, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển sinh với 4 phương thức xét tuyển và có 43 ngành. Trong đó đối với trồng trọt bạn có thể đăng ký học ngành Khoa học cây trồng; Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan; Nông nghiệp công nghệ cao; Khoa học đất; Công nghệ sinh học. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đăng ký học ngành Bảo vệ thực vật. Bởi ngành này đào tạo những kỹ sư có kiến thức, kỹ năng nghiên cứu và phòng trừ các tác nhân gây hại tài nguyên thực vật, để bảo vệ cây trồng (cả trước và sau thu hoạch) nhằm đạt hiệu quả kinh tế, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.
Trường tuyển sinh với 4 phương thức xét tuyển bao gồm: Tuyển thẳng; xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét học bạ; xét kết hợp.
- Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển các nhóm đối tượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT: Điều kiện xét tuyển: Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi (môn thi) với thang điểm 10 theo tổ hợp xét tuyển cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định. Mức chênh lệch điểm xét tuyển giữa các tổ hợp là không điểm. Học viện sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT. Học viện công nhận và sử dụng kết quả miễn bài thi môn ngoại ngữ tại Quy chế thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học chính quy. Đối với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ sử dụng để miễn bài thi môn ngoại ngữ tại Quy chế thi tốt nghiệp THPT đồng thời vẫn tham gia thi môn thi Ngoại ngữ thì Học viện sử dụng kết quả bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển.
- Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (Xét học bạ): Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình cả năm lớp 11 (đối với xét tuyển đợt 1) hoặc lớp 12 (đối với xét tuyển đợt 2) theo thang điểm 10 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển, cộng điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 21-23 điểm trở lên (Phụ lục 1). Riêng nhóm ngành Sư phạm công nghệ thí sinh đạt học lực năm lớp 12 xếp loại từ giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT đạt từ 8,0 trở lên.
- Xét tuyển kết hợp, Điều kiện và cách tính điểm xét tuyển:
* Tiêu chí 1: Với thí sinh đạt học lực loại khá năm lớp 11 (đối với xét tuyển đợt 1) hoặc lớp 12 (đối với xét tuyển đợt 2) tại các trường THPT và có điểm kết quả thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 5.0 trở lên hoặc các chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế tương đương khác do Bộ GD&ĐT công bố thì điểm xét tuyển tính theo công thức sau: Điểm xét tuyển = ĐTBcn đạt học lực khá x 3 + Điểm ưu tiên (nếu có)
* Tiêu chí 2: Xét tuyển theo kết quả học tập THPT (học bạ) kết hợp với kết quả cuộc thi Kiến thức Công nghệ và Khởi nghiệp sáng tạo VNUA – 2023, cộng điểm ưu tiên (nếu có). Tiêu chí này điểm nộp hồ sơ xét tuyển phải đạt từ 21-23 điểm trở lên tùy ngành.
Đại Học Nông Lâm TP.HCM
Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay là tiền thân của Trường Quốc gia Nông Lâm Mục Bảo Lộc, được thành lập vào ngày 19/11/1955. Trường đã nhiều lần đổi tên, đến năm 2000, Trường chính thức đổi tên là Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nông Lâm TP.HCM là một trường đại học đa ngành, đào tạo nguồn nhân lực giỏi chuyên môn và tư duy sáng tạo; thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển, phổ biến, chuyển giao tri thức – công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế – xã hội của Việt Nam và khu vực. Trường luôn cố gắng phát huy và tiếp tục xây dựng, phát triển thành một trường đại học có chất lượng về đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, sánh vai với các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Đối với trường Nông Lâm TP.HCM nếu muốn làm việc ngành trồng trọt, vậy bạn có thể đăng ký học các ngành: Nông học; Công nghệ sinh học; Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên; Lâm học. Và bạn cũng có thể đăng ký học ngành Bảo vệ thực vật thuộc khoa nông học để có thể làm việc trong ngành trồng trọt. Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tuyển sinh với 4 hình thức xét tuyển gồm: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT; Xét học bạ THPT; và Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2023.
Trong đó, xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực dự kiến xét tuyển khoảng 10 – 15% tổng chỉ tiêu. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) được Trường công bố sau khi có kết quả thi đánh giá năng lực năm 2023 do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Trường Đại Học Nông Lâm Thái Nguyên
Đại học Nông Lâm Thái Nguyên được thành lập năm 1969, tiền thân là Trường Đại học Kỹ thuật miền núi được thành lập trên cơ sở của Trường Trung học Nông Lâm nghiệp Việt Bắc. Trường Nông Lâm Thái Nguyên trở thành một trung tâm đào tạo và chuyển giao khoa học – công nghệ hàng đầu Việt Nam về nông, lâm nghiệp, quản lý tài nguyên và môi trường cho các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc Việt Nam.
Đại học Nông Lâm Thái Nguyên tuyển sinh theo 4 phương thức: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào taọ; Xét theo điểm thi THPT; Xét tuyển theo kết quả học tập bậc THPT; Xét tuyển dựa vào bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội. Trường Nông Lâm Thái Nguyên đào tạo những ngành có thể làm việc ngành trồng trọt gồm có: Khoa học cây trồng; Nông nghiệp công nghệ cao; Công nghệ sinh học; Lâm sinh.
Chương trình học tập được cập nhật liên tục, phương pháp giảng dạy hiện đại, thân thiện, cùng với phát triển song song kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành, Nông Lâm Thái Nguyên hứa hẹn đáp ứng nhu cầu “học – hành” của sinh viên và kỳ vọng của xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời đại mới.
Đại Học Nông Lâm Huế
Trường Đại học Nông Lâm Huế tiền thân là Trường Đại học Nông nghiệp II trực thuộc Bộ Nông nghiệp, được thành lập vào ngày 14 tháng 8 năm 1967 tại tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) theo Quyết định số 124/CP của Hội đồng Chính phủ.
Đại học Nông Lâm Huế là ngôi trường đào tạo hàng đầu và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, sản phẩm khoa học – công nghệ tiên tiến, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn cho miền Trung, Tây Nguyên và cả nước theo hướng hội nhập và phát triển.
Riêng trồng trọt bạn có thể học các ngành sau ở Nông Lâm Huế: Nông học; Khoa học cây trồng; Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan; Lâm nghiệp. Và tất nhiên các bạn cũng có thể học Bảo vệ thực vật để có thể làm việc trong ngành trồng trọt.
Nông Lâm Huế tuyển sinh theo 4 phương thức gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào taọ; Xét theo điểm thi THPT; Xét tuyển theo kết quả học tập bậc THPT; Xét Ngưỡng đầu vào:
* Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia: Do hội đồng tuyển sinh (HĐTS) Đại học Huế xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và công bố trên trang thông tin điện tử của Đại học Huế trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.
* Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT: Do hội đồng tuyển sinh Đại học Huế xác định theo quy chế hiện hành.
Đại học Cần Thơ
Trường Đại Học Cần Thơ là cơ sở đào tạo đại học và sau đại học trọng điểm của Nhà nước ở ĐBSCL, là trung tâm văn hóa – khoa học kỹ thuật của vùng. Trường đã không ngừng hoàn thiện và phát triển, từ một số ít ngành đào tạo ban đầu, Trường đã củng cố, phát triển thành một trường đa ngành đa lĩnh vực. Hiện nay Trường đào tạo 98 chuyên ngành đại học, 45 chuyên ngành cao học, 16 chuyên ngành nghiên cứu sinh.
Trường là nơi đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH), chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trong vùng ĐBSCL. Song song với công tác đào tạo, ĐHCT đã tham gia tích cực các chương trình NCKH, ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật nhằm giải quyết các vấn đề về khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hoá và xã hội của ĐBSCL. Từ những kết quả của các công trình NCKH và hợp tác quốc tế, trường đã tạo ra nhiều sản phẩm, quy trình công nghệ phục vụ sản xuất, đời sống và xuất khẩu, tạo được uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đại học Cần Thơ xét tuyển theo các phương thức sau: Tuyển thẳng; Xét tuyển điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT; Xét tuyển điểm học bạ THPT; Tuyển chọn vào chương trình tiên tiến và chất lượng cao; Xét tuyển thẳng vào học bổ sung kiến thức năm 2023; Xét vào ngành Sư phạm bằng điểm học bạ THPT.
Các sinh viên học về ngành trồng trọt có thể làm việc đa dạng ở những cơ quan như: cơ quan quản lý về nông nghiệp (phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, trung tâm khuyến nông, trung tâm giống nông nghiệp, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, sở khoa học và công nghệ…); viện, cơ quan nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học cây trồng; doanh nghiệp, hợp tác xã, công ty giống cây trồng, công ty phân bón, trang trại, hợp tác xã nông nghiệp, công ty chăm sóc cây trồng, công ty hoá chất nông nghiệp, các trường đại học và cao đẳng, các tổ chức phi chính phủ, hoặc tự khởi nghiệp tạo lập công việc sản xuất và dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp……
Và trên đây là top 5 trường đào tạo ngành trồng trọt hàng đầu hiện nay tại Việt Nam được chúng tôi chọn lọc. Nhu cầu nhân lực tại ngành trồng trọt nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung rất lớn. Đây chính là cơ hội để các bạn sinh viên ngành trồng trọt có thể tìm được việc làm phù hợp, ổn định. Tuy nhiên việc chọn lựa trường để gửi gắm đam mê là điều hết sức quan trọng. Với top 5 trường đào tạo ngành trồng trọt hàng đầu được chúng tôi đưa ra, mong rằng bạn sẽ tìm được ngôi trường thích hợp với bản thân mình.