Ngành công nghệ sinh học là ngành có tính ứng dụng rất cao trong đời sống con người. Tại các nước phát triển ngành công nghệ sinh học mang lại lợi ích vô cùng to lớn trong lĩnh vực nông nghiệp kỹ thuật cao. Các ứng dụng của ngành công nghệ sinh học cũng có ý nghĩa rất lớn trong các lĩnh vực sức khỏe, khoa học thực phẩm và bảo vệ môi trường. Người học ngành công nghệ sinh có thể đảm đương các vị trí công việc như: Kỹ sư công nghệ sinh học, Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, Chuyên viên nghiên cứu tại các viện, trung tâm nghiên cứu… Trong bài viết này chúng tôi muốn gửi đến bạn đọc một số thông tin về mô tả và tìm việc công nghệ sinh học. Các bạn hãy cùng khám phá để hiểu rõ hơn về công việc này nhé!
Nội dung chính
Kỹ sư công nghệ sinh học là gì?
Kỹ sư công nghệ sinh học là người có chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Họ vận dụng các kiến thức chuyên ngành để nghiên cứu, vận dụng các cơ chế hoạt động của sinh vật sống kết hợp với các quy trình sản xuất hiện đại để tạo ra các sản phẩm sinh học. Ngày nay các kết quả nghiên cứu công nghệ sinh học được ứng dụng vào các quy trình sản xuất sản phẩm sinh học với quy mô công nghiệp, tạo ra hàng loạt các sản phẩm hữu ích cho đời sống con người, nâng cao năng suất trong lĩnh vực kinh doanh, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Mô tả công việc Kỹ sư công nghệ sinh học
Các Kỹ sư công nghệ sinh học được trang bị các kiến thức liên quan đến sinh học phân tử, công nghệ lên men, sinh học thực nghiệm, nuôi cấy mô, di truyền học…. Vì vậy họ có thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ công việc khác nhau trong các công ty sản xuất dược phẩm, thực phẩm, môi trường, các cơ sở, trung tâm nghiên cứu… Một số công việc các Kỹ sư công nghệ sinh học thường đảm nhận như:
-
Nghiên cứu và phát triển các sản phẩm sinh học mới
Dựa trên các kiến thức chuyên môn của mình, các Kỹ sư công nghệ sinh học sẽ phân tích, nghiên cứu các nguyên vật liệu, sinh vật, cơ chế hoạt động, gen di truyền… để cải thiện chất lượng các sản phẩm sinh học hay là phát triển các sản phẩm sinh học hoàn toàn mới.
Với vai trò công việc này các Kỹ sư công nghệ sinh học thường làm việc tại các bộ phận QA, QC, bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm, kỹ thuật viên tại các phòng lab,…của các công ty, nhà máy hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học như: thực phẩm, dược phẩm, thuốc thú ý, phân bón vi sinh,… Họ cũng có thể làm việc tại các trung tâm hay viện nghiên cứu về giống cây trồng, vật nuôi…
-
Tiến hành quá trình thử nghiệm các sản phẩm sinh học mới
Trước khi đưa các sản phẩm vừa mới nghiên cứu vào sản xuất với quy mô lớn, Kỹ sư công nghệ sinh học cần phải thực hiện việc thử nghiệm để chứng thực các tính năng và hiệu quả của sản phẩm đối với đời sống, xã hội.
Các kết quả thử nghiệm đều được lập thành báo cáo chi tiết. Các báo cáo kết quả thử nghiệm này là cơ sở chứng minh cho chất lượng sản phẩm cũng như tính an toàn khi sử dụng sản phẩm.
-
Chịu trách nhiệm tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ từ các đơn vị đối tác của công ty
Các sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ sinh học thường được cấp các chứng nhận về quyền sở hữu trí tuệ. Đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học thì các vấn đề liên quan đến bằng sáng chế và các quy định trong hoạt động chuyển giao là rất quan trọng. Điều này đòi hỏi các Kỹ sư công nghệ sinh học phải có kiến thức và hiểu biết cần thiết liên quan đến các vấn đề về quản lý, kinh tế và pháp lý.
-
Điều hành các công việc liên quan đến quản lý quá trình sản xuất và đảm bảo chất lượng sản phẩm
Các Kỹ sư công nghệ sinh học thường có trách nhiệm mở rộng, cải thiện và phát triển các quy trình sản xuất sản phẩm sinh học từ quy mô phòng thí nghiệm sang quy mô sản xuất công nghiệp. Họ là người trực tiếp quản lý chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra đạt các tiêu chuẩn chất lượng.
Chịu trách nhiệm tìm hiểu các đặc điểm kỹ thuật, xác định và hỗ trợ việc lựa chọn các loại máy móc, thiết bị phù hợp cho hoạt động sản xuất. Tham gia vào việc cài đặt, thiết lập các thông số kỹ thuật cho các máy móc, thiết bị. Nghiên cứu cải thiện các kỹ thuật và quy trình sản xuất nhằm gia tăng năng suất sản phẩm.
Ngoài ra, Kỹ sư công nghệ sinh học còn phối hợp với bộ phận kỹ thuật để triển khai, mở rộng việc sản xuất các sản phẩm mới.
-
Đào tạo, hướng dẫn cho các bộ phận có liên quan các kiến thức liên quan đến sản phẩm
Kỹ sư công nghệ sinh học đóng vai trò là người am hiểu các kiến thức liên quan đến tính đặc thù của các sản phẩm sinh học. Vì vậy họ có trách nhiệm truyền tải các kiến thức cần thiết, tính năng và công dụng liên quan đến sản phẩm cho các bộ phận khác trong công ty như: bộ phận kinh doanh, marketing hay sản xuất…
Để tìm việc công nghệ sinh học bạn có thể đến trực tiếp cơ sở tuyển dụng, thông qua các trang thông tin môi giới việc làm, diễn đàn chia sẻ việc làm…
Hy vọng thông tin chúng tôi chia sẻ sẽ giúp bạn có cái nhìn cụ thể nhất về ngành công nghệ sinh học và phương thức tìm việc.