Bạn đã nghe nhiều về kỹ sư nông nghiệp? Vậy bạn biết họ là ai không? nghề kỹ sư nông nghiệp là gì? Và môi trường làm việc của kỹ sư nông nghiệp ra sao? Hãy theo dõi bài viết này của Agjob để rõ thêm về nghề kỹ sư nông nghiệp nhé!
Năm 2023, Bộ NN&PTNT cho biết, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, vậy nhưng trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, ba công nghệ nền tảng chủ đạo (tự động hóa, internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo) đã và đang tạo ra nhiều thách thức cho nguồn nhân lực ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.
Vậy nên, để xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam phát triển toàn diện theo hướng hiện đại thì phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, nhân tố then chốt tạo ra những đột phá trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đây là một trong những nhân tố luôn thúc đẩy phát triển nghề kỹ sư nông nghiệp. Vậy bạn hiểu gì về kỹ sư nông nghiệp hay ngành kỹ sư nông nghiệp? Để hiểu thêm về nghề kỹ sư nông nghiệp, mời bạn đọc về bài viết được Agjob tổng hợp này nhé.
Kỹ sư nông nghiệp – họ là ai?
Kỹ sư nông nghiệp là những người đóng vai trò quan trọng trong việc tích hợp các nguyên tắc kỹ thuật với thực tiễn nông nghiệp để nâng cao hiệu quả, năng suất và tính bền vững trong ngành nông nghiệp. Với dân số toàn cầu ngày càng tăng kéo theo đó là nhu cầu về lương thực, thực phẩm cũng ngày càng tăng, các kỹ sư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và triển khai các công nghệ cũng như phương pháp thực hành nhằm tối ưu hóa sản xuất cây trồng, giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên và giảm tác động đến môi trường. Công việc của họ giúp cải thiện an ninh lương thực, tối đa hóa sản lượng nông nghiệp và thúc đẩy các hệ thống canh tác bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu của một thế giới đang thay đổi nhanh.
Nói chung, kỹ sư nông nghiệp là những người đưa công nghệ vào quá trình trồng trọt, chăn nuôi, nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất và tính bền vững trong ngành nông nghiệp, đồng thời góp phần giảm bớt gánh nặng cho người nông dân.
Nghề Kỹ sư nông nghiệp làm gì?
Nhiệm vụ và trách nhiệm của người kỹ sư nông nghiệp có thể khác nhau tùy thuộc vào vai trò cụ thể của họ và lĩnh vực họ làm việc. Tuy nhiên, dưới đây là một số công viêc mà người kỹ sư nông nghiệp cần phải làm trong quá trình công tác:
- Cải thiện quy trình và hệ thống nông nghiệp: Các Kỹ sư nông nghiệp làm việc để nâng cao hiệu quả và năng suất của các hoạt động nông nghiệp. Họ nghiên cứu và triển khai các kỹ thuật canh tác cải tiến, chẳng hạn như nông nghiệp công nghệ cao, nơi công nghệ được sử dụng để giám sát và kiểm soát chính xác các biến số như độ ẩm của đất, bón phân và quản lý sâu bệnh. Họ cũng phát triển các hệ thống để tự động hóa một số nhiệm vụ canh tác nhất định, giảm yêu cầu lao động và tăng năng suất tổng thể.
- Quản lý tài nguyên và bền vững môi trường: Các kỹ sư nông nghiệp chịu trách nhiệm thúc đẩy các hoạt động canh tác bền vững. Họ phát triển các phương pháp bảo tồn tài nguyên nước thông qua các kỹ thuật tưới tiêu hiệu quả và hệ thống quản lý nước. Họ cũng nghiên cứu các chiến lược quản lý chất thải, đảm bảo xử lý và tái chế hợp lý các phụ phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, họ tập trung vào việc giảm thiểu tác động môi trường bằng cách phát triển và thực hiện các biện pháp giảm xói mòn đất, ngăn ngừa ô nhiễm và thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học.
- Tiến hành nghiên cứu và phân tích: Các kỹ sư nông nghiệp có thể tham gia vào các hoạt động nghiên cứu để giải quyết những thách thức cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp. Họ tiến hành thí nghiệm, thu thập dữ liệu và phân tích kết quả để phát triển các công nghệ và giải pháp mới. Họ cộng tác với các nhà khoa học, nhà nông học và các chuyên gia khác để thu thập thông tin và đưa ra quyết định sáng suốt.
- Cung cấp hỗ trợ và hỗ trợ kỹ thuật: Các kỹ sư nông nghiệp thường làm việc chặt chẽ với nông dân, công ty nông nghiệp và cơ quan nhà nước. Họ cung cấp giải pháp và hỗ trợ kỹ thuật, đưa ra hướng dẫn về các phương pháp thực hành tốt nhất, lựa chọn thiết bị và khắc phục sự cố liên quan đến hệ thống và máy móc nông nghiệp. Họ cũng có thể cung cấp đào tạo cho nông dân và công nhân về cách sử dụng và bảo trì hợp lý các thiết bị nông nghiệp.
- Thiết kế và phát triển máy móc và thiết bị nông nghiệp: Có một số kỹ sư nông nghiệp tham gia vào việc thiết kế và phát triển các loại máy móc và thiết bị nông nghiệp khác nhau. Họ phân tích nhu cầu của nông dân và ngành nông nghiệp, đồng thời tạo ra các giải pháp sáng tạo để tối ưu hóa quy trình nông nghiệp. Điều này có thể bao gồm thiết kế hệ thống tưới tiêu, máy trồng và thu hoạch cây trồng, hệ thống quản lý vật nuôi và thiết bị xử lý sau thu hoạch.
Làm thế nào để trở thành một kỹ sư nông nghiệp?
Để trở thành một kỹ sư nông nghiệp trước tiên bạn cần phải có niềm yêu thích thực sự với ngành này. Sau khi có niềm yêu thích với ngành bạn cần phải hoàn thành các bằng cấp về ngành kỹ sư nông nghiệp. Vì sao? Bởi sau khi đi học chuyên ngành nông nghiệp bạn mới được cung cấp cho mình những kiến thức chuyên môn, phương pháp luận khoa học, tư duy giải quyết vấn đề trong lĩnh vực nông nghiệp.
Học vị và Bằng cấp
Thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, cứ sau 5 năm, sinh viên theo học ngành nông nghiệp lại giảm từ 10 – 15%, trong khi số lao động được đào tạo bài bản có chứng chỉ, bằng cấp mới chỉ đạt khoảng 5%….
Vậy nên, bằng cấp là yếu tố tiên quyết mà các đơn vị tuyển dụng quan tâm hàng đầu khi tuyển nguồn lực về ngành kỹ sư nông nghiệp. Cụ thể, để ứng tuyển vào vị trí này, bạn cần có bằng cử nhân thuộc chuyên ngành Chăn nuôi, Nông học, Công nghệ sinh học, Nông nghiệp công nghệ cao hoặc những ngành liên quan đến nông – lâm – ngư ngiệp.
Để trở thành một kỹ sư nông nghiệp, bạn cần hoàn thành một chương trình đào tạo chuyên ngành nông nghiệp hoặc kỹ thuật nông nghiệp. Các chương trình đào tạo như vậy thường bao gồm các nghiên cứu trong lớp, phòng thí nghiệm và thực địa về khoa học, toán học và kỹ thuật. Việc tham gia vào một chương trình hợp tác để có được kinh nghiệm thực tế khi còn học đại học là điều rất được khuyến khích.
Tích lũy năng lực và kinh nghiệm
Ngành gì cũng cần học đi đôi với hành, và kỹ sư nông nghiệp cũng không nằm ngoài quy tắc đó. Bạn có thể lựa chọn chương trình học có thời lượng thực hành, thực tập tại doanh nghiệp hơn 50%. Nếu không theo chương trình học có thực hành 50%, bạn có thể tự tìm kiếm và tham gia vào các chương trình thực tập do doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại tổ chức. Bởi việc đi thực hành trong lúc đi học sẽ giúp bạn có nhiều kinh nghiệm thực tế hơn, trở nên nhạy bén hơn trong xác định vấn đề và hiểu biết hơn về công việc của kỹ sư nông nghiệp.
Công việc của kỹ sư nông nghiệp đòi hỏi kinh nghiệm thực tế cùng với khả năng sáng tạo vượt bậc. Chính vì vậy, khi bạn có đủ năng lực và kinh nghiệm thì việc trở thành một kỹ sư nông nghiệp là việc không hề khó khăn đối với bạn.
Kỹ năng
Bạn muốn trở thành một kỹ sư nông nghiệp thành công, nhưng bạn chưa biết trau dồi kỹ năng gì cho nghề nghiệp này? Vậy hãy tham khảo những kỹ năng cần thiết được Agjob tổng hợp để giúp bạn có thể trau dồi những kỹ năng cơ bản cho ngành kỹ sư nông nghiệp?
- Có hiểu biết sâu về quy trình, phương pháp và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm kiến thức về canh tác, chăn nuôi, chăm sóc cây trồng, quản lý tài nguyên nông nghiệp và kiến thức về sâu bệnh và cách phòng ngừa.
- Có khả năng áp dụng các kỹ thuật, công nghệ và công cụ hiện đại trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
- Có khả năng lập kế hoạch, tổ chức và quản lý các hoạt động nông nghiệp, biết cách quản lý tài nguyên như đất, nước, nguồn lực nhân lực và nguồn vốn.
- Có khả năng giao tiếp hiệu quả với nông dân, đồng nghiệp và khách hàng.
- Có khả năng phân tích dữ liệu, đưa ra đánh giá và giải quyết vấn đề trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Có khả năng làm việc trong môi trường đa ngành và đội nhóm. Kỹ sư nông nghiệp thường phải làm việc cùng với các chuyên gia khác như kỹ sư cơ khí, chuyên gia môi trường và nhân viên trang trại.
Những thông tin được Agjob tổng hợp về ngành kỹ sư nông nghiệp trên đây, hy vọng sẽ giúp bạn có thêm cẩm nang nghề nghiệp hữu ích. Nếu bạn đang có nhu cầu tìm việc làm kỹ sư nông nghiệp thì hãy truy cập ngay Agjob nhé. Chúc bạn mau chóng tìm được một công việc với mức lương hấp dẫn và đúng với kỳ vọng của bản thân.